Lễ ký kết được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội (1972-2022) và Ngày Du lịch thế giới 27/9, với mục tiêu thực hiện chương trình liên kết đào tạo, thực tập, trải nghiệm cho các sinh viên tại doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường.
Ông Trịnh Cao Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết, Trường được thành lập ngày 24/7/1972, là trường quốc gia đầu tiên đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công nhân viên ngành du lịch. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao đẳng và thấp hơn trong lĩnh vực du lịch, khách sạn và liên quan; Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý, người lao động trong ngành; Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Kể từ khi thành lập, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội luôn là địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Là nơi cung cấp số lượng lớn học viên chắc về kiến thức, giỏi về tay nghề, thành thạo ngoại ngữ, đạo đức tốt cho các trung tâm du lịch – khách sạn hàng đầu Việt Nam. Nhiều học sinh của nhà trường đạt được giải thưởng cao tại các cuộc thi tay nghề ASEAN và thế giới. Đội ngũ giáo viên của nhà trường có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi, hầu hết cán bộ, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài.
Hàng vạn lao động, hàng trăm nhà quản lý được đào tạo từ mái trường này đã và đang phát huy rất tốt trong cơ quan quản lý về du lịch, các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp du lịch. Đó là thành tựu đáng tự hào đánh dấu bước trưởng thành của lớp thế hệ cán bộ, giáo viên và sinh viên nhà trường, là động lực mạnh mẽ tạo đà cho trường vững bước hướng tới tương lai.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, giai đoạn 2015-2019 du lịch Việt Nam phát triển với tốc độ đột phá. Khách quốc tế đã tăng 2,3 lần từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 18 triệu lượt năm 2019, đạt tăng trưởng bình quân 22,7%/năm. Đây là mức tăng cao hàng đầu thế giới theo các báo cáo hàng năm của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO). Khách nội địa đã tăng gần 1,5 lần từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu lượt năm 2019, tăng bình quân 10,5%/năm. Đóng góp trực tiếp của du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP): năm 2015 là 6,3%, đến năm 2019 là 9,2%, tăng 2,9 điểm phần trăm. Các mục tiêu của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra đến năm 2020 đối với ngành du lịch cơ bản đã được hoàn thành trong năm 2019.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng tăng mạnh, từ vị trí thứ 75/141 nền kinh tế năm 2015 lên 67/136 năm 2017 và 63/140 năm 2019. Trong thời gian này, Việt Nam luôn là một trong những điểm sáng của du lịch thế giới, được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao bằng nhiều giải thưởng danh giá. Tổng cục Du lịch Việt Nam 2 lần được công nhận là “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” vào các năm 2017 và năm 2021 của Giải thưởng World Travel Awards.
Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam là kết quả của việc triển khai hàng loạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và lực lượng nhân lực du lịch trong cả nước.
Bước sang năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, hàng loạt lao động trong ngành bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch và các dịch vụ liên quan phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, năm 2022 ngành du lịch đang từng bước khởi sắc, hoạt động sôi động trở lại. Chính phủ cho phép mở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022, trên cơ sở đó ngành du lịch đã đặt ra mục tiêu đón được 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400 nghìn tỉ đồng.
Kết quả 8 tháng đầu năm 2022, khách du lịch nội địa đạt 79,8 triệu lượt, vượt xa mục tiêu của cả năm. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 1,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 356,6 nghìn tỷ đồng.
Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu và đưa du lịch phát triển theo hướng bền vững hơn thì một trong những vấn đề cần được ưu tiên của ngành du lịch là phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Trong đó vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch là rất quan trọng.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Tổng cục trưởng chúc mừng các thành tựu mà nhà trường đã đạt được và đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước nói chung tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo ra ngày càng nhiều nhân lực du lịch chất lượng cao cho cả nước, góp phần cùng toàn ngành thực hiện mục tiêu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
(Nguồn: TCDL)