Với ưu thế thiên nhiên ban tặng về năng lượng gió, huyện Ea H’leo đã thu hút các dự án năng lượng điện gió. Một trong số đó là dự án Nhà máy điện gió Ea Nam nằm trên địa bàn các xã Ea Nam, Ea Khal và Dliê Yang (huyện Ea H’leo), với quy mô 84 trụ gió, kết nối hệ thống 1,2 km đường dây 500 kV, tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm, do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 làm chủ đầu tư. Giữa vùng đồi mênh mông, hệ thống các trụ gió khổng lồ in sắc trắng lên nền trời trong veo như nét nhấn cho khung cảnh thêm hùng vĩ.
Chị Hồ Thị Ái Điệp (tỉnh Kon Tum) cho hay: “Tôi đi công tác ngang qua huyện Ea H’leo của Đắk Lắk thấy nhiều trụ điện gió tạo cảnh rất đẹp, nhất là đoạn đường tránh (tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng – PV), cảm giác nó rất gần khiến ai cũng muốn dừng lại để chụp ảnh, không thể bỏ lỡ những khung hình độc đáo”.
Thật vậy, cánh đồng điện gió này được xem là một điểm khám phá hấp dẫn cho du khách khi đặt chân đến Ea H’leo. Thời điểm tham quan cánh đồng điện gió thích hợp nhất là sáng sớm để ngắm bình minh và chiều tà để ngắm hoàng hôn. Quãng đường vào cánh đồng điện gió đi qua các đoạn đèo uốn lượn, mát rượi, mang đến cho du khách cảm giác thích thú. Ngoài hiệu quả kinh tế, công trình năng lượng sạch này cũng hứa hẹn đem lại “luồng gió mới” cho ngành du lịch. Được biết, đối với vấn đề phát triển du lịch dựa trên nguồn tiềm năng điện gió có sẵn, Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã có chủ trương nghiên cứu, tìm hiểu về sinh thái toàn vùng để đánh giá và có sự phát triển về sau.
Ông Đoàn Long Hưng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea H’leo cho biết thêm, các công trình điện gió được hy vọng sẽ là một điểm nhấn để thu hút du khách đến Ea H’leo. Nơi đây vốn có tiềm năng du lịch như thắng cảnh Hồ sinh thái Ea Drăng, cùng với ẩm thực và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, nếu kết hợp tạo thành một tour, sẽ trở thành một sản phẩm du lịch vừa hấp dẫn vừa có sự khác biệt, nhờ những trải nghiệm mới mẻ. Thêm vào đó, huyện Ea H’leo còn có ưu thế thuận lợi về giao thông, dễ dàng kết nối du lịch; từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, du khách có thể tham quan cánh đồng điện gió ở Ea H'leo và trở về ngay trong ngày.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các đơn vị lữ hành, để đưa một sản phẩm mới như cánh đồng điện gió đến với khách du lịch và được họ yêu thích thì xung quanh đó cần có thêm nhiều dịch vụ trải nghiệm hơn. Từ ngày các trụ điện gió ra đời, rất nhiều người yêu thích, thường xuyên đến chụp ảnh, khách qua đường cũng dừng lại nhưng không có chỗ dừng chân nên chỉ chụp ảnh, ngắm nghía một lúc rồi rời đi. Thế nên, các doanh nghiệp cần sớm khai thác tour du lịch điện gió để không lãng phí tài nguyên, như đa dạng thêm sản phẩm, đầu tư nhà hàng, khách sạn, quầy bán đồ lưu niệm, hoạt động vui chơi giải trí; trồng hoa dưới chân các trụ điện gió, tạo thêm cảnh quan…
Nhưng để đạt được mục tiêu này, chính quyền địa phương cần hỗ trợ, định hướng cho người dân, đơn vị muốn kinh doanh, khai thác loại hình dịch vụ phù hợp, đa dạng, đảm bảo phát triển bền vững, tránh tự phát; có như vậy mới tạo sức hấp dẫn lâu dài cho điểm đến và giải quyết được vấn đề việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.